CÂY BẠC HÀ VÀ TINH DẦU BẠC HÀ
( Cây Bạc Hà giống Nhật được trồng tại VN )
Tên khoa học Mentha arvensis L.
Thuộc họ Hoa môi Lamiaceace ( Labiatae )
Bạc hà là 1 vị thuốc rất phổ thông ơ nước ta. Nó được dùng trong cả đông y và tây y.
Cây Bạc hà cho những vị thuốc chủ yếu sau đây:
+ Bạc hà ( Mentha hay Herba Menthae ) là toàn bộ phận trên mặt đất, tươi hay phơi hoặc
sấy khô của cây bạc hà.
+ Bạc hà diệp ( Folium Menthae ) là lá Bạc hà tươi hay phơi hoặc sấy khô.
+ Tinh dầu bạc hà ( oleum Menthae ) là dầu cất từ cây Bạc hà.
+ Mentol hay Bạc hà não ( Mentol-Menthol) là chất đặc, trắng chiết từ Tinh dầu bạc hà ra.
Với Tinh dầu Bạc hà và Mentol, người ta còn chế nhiều thuốc rất phổ thông khác như dầu
cù là nước hoặc cao ( dầu con hổ ), kẹo ngậm ho Bạc hà, rượu Bạc hà, thuốc đánh răng Bạc hà...
Tuy là 1 vị thuốc rất phổ biến, nhưng ta mới tự túc được lá và cây bạc hà, còn Tinh dầu
Bạc hà và Mentol vẫn phải nhập rất nhiều.
Về mặt thực vật cần phân biệt nhiều loài Bạc hà hiện có ở nước ta. Loài chủ yếu thường gặp
là Mentha arvensis L. Mọc hoang rất nhiều ở nước ta, nhưng qua mấy năm điều tra, chúng tôi
chưa thấy lại. Tuy nhiên từ năm 1955 đến nay chúng tôi đã đi thực được loài Mentha piperita L.
Này bằng hạt nhận được ở Pháp và dây giống Bạc hà của Liên xô cũ 1958 hiện nay đã phổ biến
đi nhiều nơi và của Đức 1962 ở nước ta.
( Mô tả cây Bạc Hà )
MÔ TẢ CÂY.
Cây Bạc hà Mentha arvensis L. Còn có tên gọi là Bạc hà nam là 1 loại cỏ sống lâu năm,
cao từ 10 đến 60-70cm, có thể cao tới 1m, thân vuông mọc đứng hay mọc bò,
có khi phân nhánh, trên thân có nhiều lông. Lá mọc đối, cuống dài từ 2-10cm, phiến lá
hình trứng hay thon dài rộng 2-3cm, dài 3-7cm, mép có răng cưa, mặt trên và mặt dưới
đều có lông bài tiết. Hoa mọc vòng ở kẻ lá, cánh hoa hình môi màu tím hay hồng nhạt,
có khi màu trắng. Ít khi thấy có quả và hạt. Ngoài loại Bạc hà mọc dại ở nước ta, gần đây
đã nhập 1 số chủng cùng loài có năng suất tinh dầu cao như BH 974, BH 975, BH 976.
Hai loại BH 974, BH 975 được xác định thuộc loài Mentha haplocalyx Briq.
( Phân bố thu hái và chế biến )
PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN.
Cây Bạc hà mọc hoang và được trồng tại nhiều vùng ở nước ta, mọc hoang cả ở miền đồng bằng
và miền núi. Phát hiện mọc hoang nhiều ở Sapa, Tam Đảo, Bắc Cạn, Sơn La.
Cây Bạc hà trước đây chỉ mới được trồng trên quy mô tương đối lớn ở Nghĩa Trai ( Hưng yên ),
Đại Yên ( Hà Nội ) và rải rác ở nhiều tỉnh thành khác để lấy lá và cây làm thuốc. Đã bắt đầu được trồng
để cất tinh dầu năm 1958 tại huyện Gia Lâm – HN, vườn trồng Bạc hà thí điểm của Trường Đại Học Dược
khoa HN đã được trang bị nồi cất tinh dầu. Năm 1972, cả nước ta lần đầu tiên đã tự sản xuất được 60 tấn
tinh dầu Bạc hà và sản xuất được 1 tấn tinh dầu Menthol tinh thể. Tại các nước khác Bạc hà này còn được
thấy khai thác ở TQ, Nhật Bản ( nổi tiếng vì tinh dầu chứa nhiều Menthol nhất, 80-90% ).
Từ năm 1974 ở nước ta đã có chủng loại Bạc hà Nhật Bản này. Muốn trồng Bạc hà tốt nhất cần chọn nơi
đất sét có nhiều mùn, sau đến loại đất cát. Đẩ cần làm cỏ, bón phân kỹ trước, làm luống rộng, trên mỗi
luống trồng 2-3 hàng. Có 2 mùa trồng Bạc Hà là Mùa Xuân và Thu. Mùa xuân vào tháng 2-3, mùa thu
vào tháng 8-9. Tốt nhất là trồng vào mùa xuân cho năng suất cao nhất. Trồng bằng hạt hay bằng mẩu thân,
hoặc thân ngầm. Có thể trồng bằng hạt nên rất ít áp dụng. Sau 3-4 tháng co thể thu hoạch đợt đầu,
thường 1 năm có thể cắt cây 3-4 lần, lần thứ nhất vào tháng 6-7, sau đó cần xới và bón phân,
sau 2 tháng ( vào cuối T8 hay T9 ) lại hái lần nữa vào lúc cây đang ra hoa nhiều. Nếu hái 4 lần thì hái lứa đầu
vào T6-7, lứa hai từ T8-9, lứa 3 từ T10-11, lứa thứ 4 từ T2-3. Hái về cần bó lại từng bó, phơi chỗ mát cho khô
hoặc nếu cất tinh dầu thì cần cất ngay hay để hơi héo mà cất.
Hiệu suất trung bình từ 25-40 tấn cây tươi mỗi năm/1ha, cất được 50-100 lít tinh dầu.
Theo tài liệu của các nước thì hiệu suất 1ha trung bình hàng năm cũng là 10-12 tấn cây tươi, có những năm
hoặc những nơi chăm sóc tốt có thể đạt tới 20 đến 35-40 tấn, đặc biệt có nơi đạt 70 tấn/1ha, cất được 20-150 lít
tinh dầu. Nếu trồng mãi trên 1 diện tích thì hiệu suất năm đầu và năm hai cao, năm 3 giảm còn 1/3. Với loài Bạc hà
Liên xô cũ, mùa trồng thích hợp nhất ở đồng bằng là mùa thu (T8-9) thu hoạch lứa đầu vào T10-11, lứa 2 vào T2-3,
tinh dầu thơm dịu hơn Bạc hà của ta, nhưng năng suất cây thấp hơn.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC.
Hoạt chất chủ yếu trong Bạc hà là tinh dầu Bạc hà. Tỷ lệ tinhh dầu trong Bạc hà thường từ 0,5-1%,
có khi lên đến 1,3-1,5%.
Bằng phương pháp lựa chọn giống, LX cũ đã có những loại Bạc hà đạt tới 5,2-5,6% tinh dầu. Ngoài tinh dầu
trong cây Bạc hà còn có flavonozit. Thành phần chủ yếu trong tinh dầu Bạc hà bao gồm những chất sau đây:
Mentola C10H19OH có tinh dầu với tỉ lệ 40-50%, loài của TQ và Nhật có thể lên tới 70-90%.
Mentola ở trong tinh dầu chủ yếu ở trạng thái tự do nhưng 1 phần ở dạng kết hợp với axit axetic.
Mentol C10H18O chừng 10-20% trong tinh dầu Bạc hà TQ.
( Tác dụng dược lý )
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ.
Tại chỗ tinh dầu Bạc hà và Mentola bốc hơi rất nhanh, gây cảm giác mát và tê rại chỗ,
dùng trong 1 số trường hợp đau dây thần kinh, còn có tác dụng sat trùng mạnh thường
dùng trong 1 số trường hợp ngứa của bệnh ngoài da, bệnh về tai mũi họng .
Tuy nhiên cần biết tinh dầu Bạc hà và mentola bôi mũi hay bôi trong cổ họng có thể gây hiện tượng
ức chế có thể tới ngừng thở và tim ngừng đập hoàn toàn. Hiện tượng này hay xảy ra nhất là đối với
trẻ con ít tuổi. Người ta đã nhận xét thấy 1 số trường hợp chết do nhỏ mũi 1 giọt dầu Mentola 1%
hoặc bôi vào niêm mạc mũi 1 ít thuốc mỡ có Mentola. Do đó cần hết sức thận trọng khi dùng tinh dầu
Bạc hà hay dầu cù là cho trẻ con ít tuổi, nhất là trẻ con mới đẻ.
Bạc hà, tinh dầu Bạc hà hay Mentola uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, xúc tiến sự bài tiết của
tuyến mồ hôi, làm cho nhiệt độ cơ thể hạ thấp. Liều lớn, có tác dụng kích thích tủy sống, gây tê liệt phản xạ
và ngăn sự lên men quá bình thường trong ruột.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG.
Bạc hà là 1 vị thuốc thơm, dùng làm cho thuốc thơm dễ uống, làm ra mồ hôi, hạ sốt dùng chữa cảm sốt,
cảm mạo, mũi ngạt, đầu nhức, còn giúp tiêu hóa, chữa kém ăn, ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài.
Tinh dầu Bạc hà và Mentola dùng làm thuốc sát trùng, xoa bóp nơi sưng đau, như khớp xương, thái dương khi nhức đầu.
Theo Lesieur và J. Meyer Bạc hà là 1 vị thuốc chữa loét dạ dày, làm giảm bài tiết dịch vị và giảm đau.
Tính chất của Bạc hà theo các tl cổ ghi như sau: Vị cay, mát không độc, vào 2 kinh phế và can, có tác dụng tán phong nhiệt,
ra mồ hôi, giảm uất, làm thuốc thanh lương dùng chữa cảm nắng, đau bụng, bụng đầy, chứng ăn không tiêu.
Liều dùng lá và toàn cây:
Ngày uống từ 4-8g dưới dạng thuốc pha.
Tinh dầu và Mentola: một liều 0,02 đến 0,2ml, một ngày 0,06 đến 0,6ml.
Cồn dùng dưới hình thức cồn Bạc hà ( lá bạc hà 50g, tinh dầu Bạc hà 50g, cồn vừa đủ 1 lít )
ngày dùng nhiều lần, mỗi lần từ 5-10-15 giọt.
ĐƠN THUỐC CÓ BẠC HÀ ( LÁ VÀ TOÀN CÂY )
Thuốc chữa nôn thông mật giúp sự tiêu hóa.
Lá Bạc hà hay toàn cây Bạc hà bỏ rễ 5g, pha vào 200ml nước sôi, cách 3 giờ uống 1 lần.
Có thể dùng cồn Bạc hà theo công thức kể trên để uống thay, mỗi lần uống 5-10 giọt hay hơn.
Chè chữa cảm mạo, nhức đầu:
Lá Bạc hà 6g, kinh giới 6g, phòng phong 5g, bạch chỉ 4g, hành hoa 6g, nước sôi đổ vào chờ 20 phút,
uống lúc đang nóng.
Chú thích:
Ngoài Bạc hà nam kể trên, trên thế giới và ngay ở nước ta còn dùng nhiều loại Bạc hà khác:
+ Bạc hà Châu Âu – Mentha piperita L.
+ Bạc hà Nhật Bản Mentha arvenis L. Var piperascens Malinv.
* nguồn tài liệu tham khảo:
( Những cây thuốc và vị thuốc Viêt Nam – Giáo sư – Tiến sĩ. Đỗ Tất Lợi
giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Kỹ thuật )